Khánh Hoà: Sự kiện Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 – Bệ phóng cho Cam Lâm phát triển

Bệ phóng cho Cam Lâm phát triển.

Sự kiện Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 được thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Khánh Hòa. Đây sẽ là cú hích, tạo thêm động lực mới, sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đô thị mang đẳng cấp quốc tế

Với vị trí địa kinh tế độc đáo, cùng hệ thống giao thông kết nối liên vùng (bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển) khá đồng bộ, Cam Lâm hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một đô thị lớn, trung tâm kết nối logistics, một cực tăng trưởng của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, khi phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, Thủ tướng Chính phủ đã đặt Cam Lâm trong định hướng tổng thể của chuỗi đô thị Vân Phong – Nha Trang – Cam Lâm – Cam Ranh.

Các vị lãnh đạo Trung ương, Bộ Xây dựng, tỉnh Khánh Hòa và huyện Cam Lâm ấn nút công bố quy hoạch.

Đô thị mới Cam Lâm như một gạch nối, tạo nên sự liên kết với TP. Nha Trang và đô thị Cam Ranh. Trong tương lai không xa, Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, thông minh đẳng cấp quốc tế phát triển theo 4 trục động lực. Với hơn 54.700ha diện tích tự nhiên, “thành phố mới” hình thành với 4 khu trung tâm đô thị: Khu trung tâm tổng hợp cấp vùng tại thị trấn Cam Đức gắn với trục trung tâm đô thị, phát triển mới trung tâm hành chính – chính trị cấp đô thị; trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ, không gian giao lưu văn hóa quốc tế. Khu trung tâm du lịch phía đông tại xã Cam Hải Đông gắn với kênh Thủy Triều, phát triển mới các chức năng cung cấp dịch vụ du thuyền, vui chơi giải trí nước và các dịch vụ hướng tới đạt đẳng cấp quốc tế. Khu trung tâm đô thị phía bắc tại xã Cam Hòa phát triển mới trung tâm văn hóa – thể thao, y tế, giáo dục, thương mại – dịch vụ, không gian giao lưu văn hóa cấp đô thị. Khu trung tâm đô thị phía nam tại xã Cam Thành Bắc phát triển mới trung tâm văn hóa – thể thao, y tế, thương mại – dịch vụ, phối hợp với khu đô thị hỗn hợp mật độ cao. Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế, là trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics.

Ông NGUYỄN HẢI NINH – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa: Việc thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm với tầm nhìn đột phá, cách tiếp cận ở tầm quốc tế là công việc đầy thách thức, nhưng việc tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch sẽ là thách thức bội phần, đòi hỏi không chỉ có sự quan tâm của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương, mà còn là sự quan tâm hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa mong được tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ và hợp tác. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm cùng với các quy hoạch khác sẽ tạo không gian mới, dư địa và động lực mới để Khánh Hòa và huyện Cam Lâm phát triển nhanh, bền vững, dựa trên kinh tế đô thị, dịch vụ. Người dân Cam Lâm trong tương lai gần sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao.

Động lực phát triển mới

Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho những phát triển đột phá. Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở quy hoạch Cam Lâm được duyệt, công bố và các nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các quy định liên quan; quyết tâm xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành đô thị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh; cùng các địa phương khác góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, một bản quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc thực thi và giám sát thực thi không được tổ chức hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo; cách làm căn cơ, bài bản, đồng bộ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Khánh Hòa nỗ lực để tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là phân cấp thẩm quyền về quản lý quy hoạch, đất đai, tách các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án đầu tư và mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Tỉnh phải tập trung triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch chuyên ngành một cách khoa học, bài bản, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định, tránh tình trạng phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; phải khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang được đầu tư như các tuyến đường bộ cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Cam Lâm – Nha Trang để kết nối liên vùng. Các nguồn lực được tạo ra từ quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị trong tương lai, như: Giá trị đất đai, tài nguyên… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội. Để Cam Lâm có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới thì nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, tỉnh cần có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài; nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị để tạo nên sức hút hấp dẫn cho lao động trong và ngoài nước đến với Cam Lâm. Bên cạnh đó, với đặc điểm của một đô thị ven biển, quá trình phát triển đô thị mới Cam Lâm, tỉnh cần thực hiện tốt công tác khảo sát địa chất, thủy văn, tính toán kỹ các tác động của biến đổi khí hậu, triều cường ngay từ phương án quy hoạch chi tiết, thiết kế, thi công nhằm bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của công trình, an toàn về tài sản, tính mạng cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo tỉnh thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân có nơi tái định cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: Bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân… Người dân địa phương phải được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, có sinh kế bền vững; được tận hưởng những giá trị, chất lượng cuộc sống mà quá trình đô thị hóa mang lại.

NHÓM PHÓNG VIÊN

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *